Nghiên cứu kết quả dẫn lưu nang giả tụy qua dạ dày tá tràng dưới hướng dẫn siêu âm nội soi

  • Ngô Phương Minh Thuận Bệnh viện Chợ Rẫy
  • Dương Minh Thắng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
  • Nguyễn Thúy Vinh Đại học Quốc gia Hà Nội
  • Hồ Đăng Quý Dũng Bệnh viện Chợ Rẫy
  • Phạm Hữu Tùng Bệnh viện Chợ Rẫy
  • Trần Đình Trí Bệnh viện Chợ Rẫy

Main Article Content

Tóm tắt

Mục tiêu: Đánh giá tỷ lệ thành công về kỹ thuật, điều trị thành công và các tai biến, biến chứng của kỹ thuật dẫn lưu nang giả tụy dưới hướng dẫn siêu âm nội soi tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu tiến cứu, can thiệp không đối chứng, theo dõi dọc tất cả các bệnh nhân được thực hiện thủ thuật dẫn lưu nang giả tụy dưới hướng dẫn siêu âm nội soi tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ tháng 01/2016 đến tháng 08/2019. Thành công về mặt kỹ thuật được định nghĩa khi đặt được stent dẫn lưu xuyên thành dạ dày hay tá tràng vào nang giả tụy. Điều trị thành công được định nghĩa khi bệnh nhân cải thiện triệu chứng lâm sàng và nang giả tụy được dẫn lưu hoàn toàn hoặc nang giả tụy giảm rõ rệt so với kích thước nang ban đầu (kích thước nang ≤ 2cm hoặc < 50% kích thước nang ban đầu) trên chẩn đoán hình ảnh. Thời gian theo dõi và đánh giá kết quả của thủ thuật ở các thời điểm 1 - 3 tháng, 3 - 6 tháng, hơn 6 tháng sau khi dẫn lưu nang. Các biến chứng của thủ thuật được chia làm biến chứng sớm (< 1 tuần) và biến chứng muộn (> 1 tuần) sau thủ thuật. Kết quả: 60 bệnh nhân chẩn đoán nang giả tụy và được thực hiện dẫn lưu nang dưới hướng dẫn siêu âm nội soi, tỷ lệ thành công về mặt kỹ thuật là 96,7% (58/60 bệnh nhân), tỷ lệ điều trị thành công chung là 96,5% (56/58 bệnh nhân), tỷ lệ điều trị thành công sớm là 93,1% (54/58 bệnh nhân) ở thời điểm 1 - 3 tháng sau thủ thuật, tỷ lệ biến chứng của kỹ thuật là 11,7% (7/60 bệnh nhân), bao gồm: Nhiễm trùng 6,7% (4/60 bệnh nhân), xuất huyết 3,3% (2/60 bệnh nhân) và di lệch stent vào trong nang 1,7% (1/60 bệnh nhân). Các biến chứng của kỹ thuật là nhiễm trùng được kiểm soát bằng liệu pháp kháng sinh (2 bệnh nhân) và có 2 bệnh nhân nhiễm trùng nang sau dẫn lưu cần phải phối hợp phương pháp dẫn lưu khác là dẫn lưu ra da, các trường hợp xuất huyết (2 bệnh nhân) là xuất huyết mức độ nhẹ và tự cầm, 01 bệnh nhân có biến chứng di lệch stent vào trong nang cần phải phẩu thuật dẫn lưu và rút stent. Hai bệnh nhân đặt stent dẫn lưu nang giả tụy thất bại được phẫu thuật nối nang - hỗng tràng và dẫn lưu qua da. Theo dõi sau điều trị thành công ban đầu và tỷ lệ tái phát nang là 6,9% (4/58 bệnh nhân). Kết luận: Tỷ lệ thành công về mặt kỹ thuật là 96,7%, điều trị thành công chung là 96,5%, tỷ lệ biến chứng là 11,7% và tỷ lệ tái phát sau thành công lần đầu là 6,9%. Kỹ thuật dẫn lưu nang giả tụy qua dạ dày tá tràng dưới hướng dẫn siêu âm nội soi là phương pháp điều trị có tỷ lệ thành công cao, hiệu quả và an toàn.

Article Details

Các tài liệu tham khảo

1. Hồ Đăng Quý Dũng và cộng sự (2014) Nghiên cứu kết quả của kỹ thuật dẫn lưu nang giả tụy qua nội soi tại Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2011-2013. Tạp chí Y dược lâm sàng 108, 9(1), tr. 72-77.
2. Lê Lộc, Phạm Như Hiệp, Hồ Hữu Thiện (2004) Kết quả điều trị nang giả tụy. Tạp chí Y học TP. Hồ Chí Minh, 8(3), tr. 173-176.
3. Nguyễn Cường Thịnh (2004) Nang giả tụy: Nguyên nhân, điều trị và kết quả. Tạp chí Y học TP. Hồ Chí Minh, 8(3), tr. 163-166.
4. Bang JY, Varadarajulu S (2019) Endoscopic ultrasound-guided drainage of pancreatic fluid collections. Endosonography, Fourth Edition, Chapter 23: 291-301.
5. Banks PA, Bollen TL, Dervenis C et al (2013) Classification of acute pancreatitis -2012: revision of the Atlanta classification and definitions by international consensus. Gut 62: 102-111.
6. Giovannini M (2012) Endoscopic ultrasonography-guided pancreatic drainage. Interventional Endoscopic Ultrasound: 221-230.
7. Ichiro Y, Keisuke I, Tsuyoshi M et al (2009) EUS-guided pancreatic pseudocyst drainage. Digestive Endoscopy 21(1): 82-86.
8. Phillip SG, Mikhayla W, Rabindra RW (2016) Pancreatic pseudocysts - advances in endoscopic management. Gastroenterol Clin North Am 45: 9-27.
9. Samuelson AL, Shah RJ (2012) Endoscopic management of pancreatic pseudocysts. Gastroenterol Clin North Am 41: 47-62
10. Varadarajulu S (2012) Endoscopic management of pancreatic pseudocysts. J Dig Endosc 3: 58-64.