I. Thể lệ gửi bài báo

  1. Yêu cầu chung

Các công trình đăng trên Tạp chí Y Dược lâm sàng 108 phải là bản thảo đăng nguyên vẹn lần đầu và chưa từng được đăng ở bất kỳ tạp chí hoặc cơ sở dữ liệu có thể tiếp cận công khai nào.

Bản thảo được soạn bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh sử dụng phần mềm Microsoft Word (đuôi file là .doc hoặc .docx), đúng ngữ pháp, không có lỗi chính tả. Định dạng trang A4, kiểu chữ Arial hoặc Times New Roman, cỡ chữ 14 (hệ font Unicode), khoảng cách dòng 1,5, cách lề Normal. Mỗi bài không quá 4000 từ không bao gồm bảng, hình minh họa và tài liệu tham khảo. Bản thảo phải đánh số trang rõ ràng, số trang căn giữa. Trong trường hợp Tạp chí sử dụng phần mềm nhận bản thảo trực tuyến thì tác giả phải thực hiện theo đúng hướng dẫn trên phần mềm.

Các thuật ngữ tiếng Việt thống nhất theo từ điển Bách khoa Việt Nam. Danh từ tiếng Việt nếu được dịch từ tiếng nước ngoài phải được viết kèm theo từ nguyên gốc. Hạn chế sử dụng các chữ viết tắt. Trong trường hợp không tránh khỏi phải viết tắt thì phải có phần chú thích cho lần sử dụng chữ viết tắt đầu tiên trong bài.

Các hình, bảng, biểu trình bày dưới định dạng ảnh (.jpg, .png,...) có độ phân giải cao, kèm theo phần chú thích hình.

Các bảng biểu, hình, chú thích hình được trình bày vào đúng vị trí trong nội dung của bản thảo và đánh số theo thứ tự xuất hiện trong bài.

Tài liệu tham khảo được trích dẫn theo số thứ tự xuất hiện trong nội dung bài, không theo tên tác giả và năm. Tài liệu trích dẫn đánh số và trình bày theo chuẩn AMA (American Medical Association, 11th edition) của Hội Y Khoa Hoa Kỳ. Sử dụng các phần mềm quản lý tài liệu tham khảo như Endnote, ZOTERO… Đối với tên tác giả Việt Nam trong tài liệu trích dẫn bằng tiếng Việt cần ghi đầy đủ và nguyên tên họ.

  1. Yêu cầu về cam kết không xung đột lợi ích

Tạp chí Y Dược lâm sàng 108 thực hiện xét duyệt các bản thảo theo quy định của Hội đồng Quốc tế Tổng biên tập các Tạp chí Y học (International Committee of Medical Journal Editors, ICMJE). Các tác giả nêu rõ vai trò của các cá nhân, tổ chức hỗ trợ, tài trợ nghiên cứu cùng cam kết không xung đột lợi ích liên quan đến nghiên cứu. Bản thảo phải có sự đồng thuận của từng thành viên trong nhóm tác giả về nội dung khoa học và sự đóng góp của từng tác giả trong việc phát triển và hoàn thiện bản thảo. Nghiêm cấm đưa thông tin của cá nhân không tham gia vào quá trình nghiên cứu vào tác giả bài báo. Tạp chí sẽ gửi Bản thảo qua email cho tất cả các tác giả để xác nhận nếu thấy cần thiết. (Đề nghị cung cấp đầy đủ địa chỉ email của từng thành viên trong nhóm tác giả).

Nếu bản thảo có nhiều tác giả tham gia thì phải xác định cụ thể tác giả chính, đồng tác giả và tác giả liên hệ theo quy định của Tạp chí (xem mục hướng dẫn/yêu cầu cụ thể đối với từng loại bài báo).

  1. Hướng dẫn/yêu cầu cụ thể đối với từng loại bài báo bằng tiếng Việt

- Bài báo công bố kết quả nghiên cứu

Tác giả thực hiện theo Mẫu 01- Phụ lục 1: Bài báo công bố kết quả nghiên cứu. Xem TẠI ĐÂY

- Bài báo nghiên cứu trường hợp

Tác giả thực hiện theo Mẫu 02 - Phụ lục 1: Bài báo nghiên cứu trường hợp. Xem TẠI ĐÂY

 - Bài báo tổng quan

Tác giả thực hiện theo Mẫu 03 - Phụ lục 1: Bài báo tổng quan. Xem TẠI ĐÂY

- Các bài báo thể loại khác: Tác giả liên hệ trực tiếp với Ban Biên tập để được hướng dẫn.

  1. Hướng dẫn/yêu cầu cụ thể đối với từng loại bài báo bằng tiếng Anh

- Các loại bài báo và nội dung như hướng dẫn như mục 3.

- Toàn bộ ngôn ngữ trong bài báo được thể hiện bằng tiếng Anh

II. Điều kiện bài báo được xuất bản trên Tạp chí

  1. Bài viết gửi đăng trên Tạp chí phải là bài chưa gửi đăng hoặc xuất bản trên các Tạp chí hay các hình thức xuất bản chính thức khác.
  2. Bài gửi đăng phải có nội dung liên quan đến một trong các lĩnh vực của Tạp chí. Bài viết được đánh giá thông qua phản biện độc lập và chỉ được đăng khi đã được sửa chữa hoàn chỉnh theo góp ý của ít nhất 02 phản biện và Ban Biên tập.
  3. Tổng biên tập/Phó Tổng biên tập là người quyết định cuối cùng về bài được đăng và thời gian đăng.
  4. Tác giả bài viết phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính liêm chính khoa học của bài báo, trong trường hợp Tạp chí phát hiện bài báo có vi phạm liêm chính khoa học thì Tạp chí có quyền không đăng hoặc rút bài đã đăng, đồng thời thông báo cho tác giả về sự vi phạm liêm chính khoa học đó. Tạp chí cũng không chịu bất kỳ trách nhiệm cũng như những phí tổn liên quan đến vấn đề pháp lý, tranh chấp do vi phạm liêm chính khoa học.
  5. Bài viết sau khi được thẩm định, biên tập và định dạng, Ban Biên tập sẽ gửi đến tác giả để xác định bài đã được chấp nhận và được đăng trong số gần nhất.

III. Lệ phí phản biện, đăng bài

Lệ phí phản biện, đăng bài bao gồm: Lệ phí phản biện (Tác giả lựa chọn một trong hai hình thức là quy trình loại 1 hoặc quy trình loại 2) và lệ phí gắn chỉ số DOI (Digital Object Identifier). Cụ thể như sau:

  1. Quy trình loại 1: từ khi nhận bản thảo đáp ứng Thể lệ của Tạp chí đến khi có quyết định duyệt đăng/từ chối đăng thời gian tối đa 01 tháng.
  2. Quy trình loại 2: từ khi nhận bản thảo đáp ứng Thể lệ của Tạp chí đến khi có quyết định duyệt đăng/từ chối đăng thời gian tối đa 02 tuần.
  3. Lệ phí gắn chỉ số DOI.

Mức lệ phí được quy định TẠI ĐÂY. Lệ phí này được tác giả nộp cho Tạp chí khi đã qua bước 2 – Quy trình xét duyệt bài báo. Lệ phí này không hoàn lại cho tác giả nếu bản thảo không được chấp thuận đăng.

Khi có sự thay đổi về lệ phí phản biện, đăng bài thì Tạp chí sẽ thông báo trên website của Tạp chí để tác giả được biết.

IV. Quy định về hủy bài, rút lại bài, loại bỏ bài, thay thế bài báo đã xuất bản

  1. Hủy bài báo đang trong quá trình xuất bản

Việc hủy bài báo được Tạp chí áp dụng cho các bài báo đang trong quá trình xuất bản nhưng bị phát hiện: (i) Có sai lỗi nghiêm trọng làm thay đổi kết luận của bài báo; (ii) Vô ý nộp trùng với một bài báo khác đã được xuất bản; (iii) Tác giả có những vi phạm đạo đức nghiên cứu và công bố công trình khoa học như nộp bài báo cho nhiều tạp chí cùng lúc, giả mạo trong tuyên bố về quyền tác giả, đạo văn, ngụy tạo dữ liệu, và những trường hợp tương tự;

Nếu việc hủy bài báo được áp dụng đối với một bài báo đang trong quá trình xuất bản và đã được công bố trên website của Tạp chí, thì toàn bộ nội dung của bài báo đó ở định dạng HTML hoặc/và PDF sẽ bị xóa, và được thay thế bằng một trang HTML hoặc/và PDF với ghi chú “Bài báo bị hủy: [Tiêu đề bài báo]”.

  1. Rút lại bài báo đã xuất bản

Việc rút lại bài báo đã xuất bản được áp dụng để khắc phục các sai lỗi trong quá trình nộp bài và xuất bản do tác giả và/hoặc đồng tác giả có những vi phạm đạo đức nghiên cứu và công bố công trình khoa học như nộp bài báo cho nhiều tạp chí cùng lúc, giả mạo trong tuyên bố về quyền tác giả, đạo văn, ngụy tạo dữ liệu, và những trường hợp tương tự.

Nếu chính sách rút lại bài báo được áp dụng đối với một bài báo đã xuất bản, các biện pháp sau đây sẽ được triển khai:

- Đối với phiên bản Tạp chí in: Một ghi chú có tiêu đề “Bài báo bị rút lại: [Tiêu đề bài báo]” sẽ được xuất bản trong số tiếp theo của Tạp chí, và được liệt kê trong phần mục lục của số xuất bản đó;

- Đối với phiên bản Tạp chí trực tuyến: Ghi chú “Bài báo bị rút lại: [Tiêu đề bài báo]” cùng với một đường dẫn đến bản gốc của bài báo (định dạng PDF) sẽ được hiển thị trên website của Tạp chí. Nội dung của bài báo gốc (phiên bản PDF) sẽ không bị thay đổi nhưng có một chú thích chìm (watermark) được ghi trên mỗi trang với nội dung “Bài báo đã bị rút lại”. Phiên bản định dạng HTML của bài báo gốc (nếu có) sẽ bị rút khỏi website của Tạp chí.

  1. Loại bỏ bài báo đã xuất bản

Việc loại bỏ bài báo đã xuất bản được Tổng biên tập áp dụng trong những trường hợp đặc biệt, khi: (i) Bài báo đó vi phạm một cách rõ ràng các quy định pháp luật; hoặc (ii) Bài báo cần được loại bỏ theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan thực thi pháp luật khác;

Nếu việc loại bỏ bài báo đã xuất bản được áp dụng, thì các thông tin về bài báo gồm tiêu đề, tên tác giả, và đơn vị công tác vẫn được giữ lại trên website của Tạp chí, nhưng toàn bộ nội dung của của bài báo sẽ được thay thế bởi một ghi chú rằng “Bài báo này đã bị loại bỏ vì lý do vì lý do pháp lý”. Tổng biên tập quyết định nội dung của phần thuyết minh chi tiết cho lý do loại bỏ bài báo.

  1. Thay thế bài báo đã xuất bản

Việc thay thế bài báo đã xuất bản được Tổng biên tập áp dụng khi bài báo đó có nguy cơ dẫn đến những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe con người nếu độc giả thực hiện theo nội dung của bài báo;

Việc thay thế bài báo đã xuất bản được thực hiện theo yêu cầu của các tác giả của bài báo gốc và được sự đồng ý của Tổng biên tập. Các tác giả bài báo gốc phải có yêu cầu bằng văn bản nêu rõ nguyện vọng rút lại bài báo gốc bị sai sót, và thay thế nó bằng một phiên bản mới đã được chỉnh sửa, bổ sung;

Bài báo đã được chỉnh sửa, bổ sung phải trải qua quy trình phản biện từ đầu theo Điều 9 của Quy chế.

Nếu việc thay thế bài báo được áp dụng đối với một bài báo đã xuất bản, các biện pháp sau đây sẽ được triển khai:

- Đối với phiên bản Tạp chí in: Một ghi chú có tiêu đề “Bài báo bị rút lại: [Tiêu đề bài báo gốc], và được thay thế bởi bài báo sau đây: [Tiêu đề bài báo thay thế]”, cùng với toàn văn nội dung bài báo mới thay thế sẽ được xuất bản trong số gần nhất so với thời điểm chính sách thay thế bài báo được áp dụng, và được liệt kê trong phần mục lục của số xuất bản đó;

- Đối với phiên bản Tạp chí trực tuyến: Một ghi chú “Bài báo bị rút lại: [Tiêu đề bài báo gốc], và được thay thế bởi bài báo sau đây: [Tiêu đề bài báo thay thế]”, cùng với một đường dẫn đến phiên bản chỉnh sửa, bổ sung của bài báo (định dạng PDF) sẽ được hiển thị trên website của Tạp chí. Trang đầu tiên của bài báo thay thế sẽ ghi rõ lịch sử của bài báo, gồm thông tin về ngày nhận bài, ngày chấp nhận đăng của bài báo gốc và của bài báo thay thế, cùng thuyết minh lý do tại sao bài báo bị thay thế;

- Phiên bản PDF và phiên bản định dạng HTML (nếu có) của bài báo gốc sẽ bị rút khỏi website của Tạp chí.

V. Quyền hạn, trách nhiệm của tác giả

  1. Tác giả bài báo phải chịu trách nhiệm chính và trực tiếp trước pháp luật, Ban Biên tập Tạp chí, phản biện xã hội, các quy định liên quan về nội dung, chất lượng, các khía cạnh về liêm chính khoa học, tính hợp pháp và bản quyền của bài báo.
  2. Khi xẩy ra khiếu nại, đơn thư, phản biện xã hội... về nội dung bài báo, tác giả bài báo phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, trung thực các thông tin liên quan khi Ban Biên tập liên hệ. Hội đồng Biên tập Tạp chí sẽ tiến hành xem xét, đánh giá và quyết định cuối cùng về việc rút hay tiếp tục đăng bài báo trên Tạp chí.
  3. Thứ tự tên của các tác giả được sắp xếp theo quy định, vị trí tên của tác giả thể hiện tương xứng với vai trò đóng góp đối với công trình công bố trong bài báo. Tác giả gửi bài chịu trách nhiệm về việc sắp xếp thứ tự các tác giả của bài viết và tên của các đồng tác giả. Tác giả đứng tên đầu và tác giả liên hệ được mặc định là tác giả chính.
  4. Các tác giả nêu rõ vai trò của các cá nhân, tổ chức hỗ trợ, tài trợ nghiên cứu cùng cam kết không xung đột lợi ích liên quan đến nghiên cứu. Tác giả hoàn toàn chịu trách nhiệm khi liệt kê đơn vị công tác, đơn vị nghiên cứu… của các thành viên nhóm nghiên cứu, bảo đảm trung thực theo đúng các quy định công bố của các đơn vị đó. Bản thảo phải có sự đồng thuận của từng thành viên trong nhóm tác giả về nội dung khoa học và sự đóng góp của từng tác giả trong việc phát triển và hoàn thiện bản thảo. Tác giả sẽ phải chịu trách nhiệm trước Pháp luật nếu đưa thông tin của cá nhân không tham gia vào quá trình nghiên cứu vào tác giả bài báo.
  5. Tác giả (nhóm tác giả) có quyền giới thiệu 1 đến 3 người phản biện cho bài viết nhưng việc chọn người phản biện là do Tổng biên tập/Phó Tổng biên tập quyết định.
  6. Tác giả gửi bài có nghĩa vụ thực hiện đúng các quy định về thể lệ đăng bài trên Tạp chí; chỉnh sửa và hoàn chỉnh bài viết theo yêu cầu của Phản biện và Ban biên tập Tạp chí. Trong trường hợp tác giả không đáp ứng thời gian chỉnh sửa theo đề nghị của Ban Biên tập thì Ban Biên tập thông báo cho tác giả biết và Tạp chí không cam kết về thời gian trả lời quyết định duyệt đăng/từ chối đăng như quy định tại Điều 12 của Quy chế. Nếu tác giả gửi bài không phản hồi thông tin liên hệ của Ban Biên tập trong 04 ngày làm việc thì được hiểu là không tiếp tục quy trình gửi bài báo, Ban Biên tập có quyền từ chối bài báo.
  7. Tác giả không được phép gửi bản thảo đến tạp chí khác trong khi chưa có quyết định xét duyệt cuối cùng của Ban Biên tập Tạp chí và phải chịu trách nhiệm về việc đăng bài báo trùng lặp với Tạp chí khác (nếu có); không được cung cấp thông tin liên quan đến mình trong bài viết; không được tiếp xúc với phản biện trong quá trình phản biện bài viết.
  8. Đối với bài báo tiếng Anh, Tác giả có quyền gửi kèm bản dịch đầy đủ hoặc tóm tắt bằng tiếng Việt cho Ban Biên tập.
  9. Tác giả được quyền rút lại bản thảo bài báo hoặc bổ sung, điều chỉnh thông tin bài báo trong vòng 4 ngày làm việc sau khi Ban Biên tập nhận được bản thảo.