Phản vệ liên quan đến thuốc cản quang chứa iod: Phân tích tín hiệu từ cơ sở dữ liệu báo cáo ADR Quốc gia trong giai đoạn 2015 - 2019

  • Cao Thị Thu Huyền Trường Đại học Dược Hà Nội
  • Trần Hoàng Hưng Trường Đại học Dược Hà Nội
  • Nguyễn Thị Thanh Hương Trường Đại học Dược Hà Nội
  • Vũ Đình Hòa Trường Đại học Dược Hà Nội
  • Nguyễn Hoàng Anh Trường Đại học Dược Hà Nội

Main Article Content

Keywords

Thuốc cản quang chứa iod, phản vệ, phản ứng có hại của thuốc, báo cáo tự nguyện

Tóm tắt

Mục tiêu: Khảo sát đặc điểm và phân tích sự hình thành tín hiệu phản vệ liên quan đến thuốc cản quang chứa iod trong giai đoạn 2015 - 2019. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả, cắt ngang thông qua hồi cứu dữ liệu báo cáo ADR tự nguyện tại Trung tâm DI & ADR Quốc gia từ năm 2015 đến năm 2019. Kết quả: Đã ghi nhận 468 (35,9%) trường hợp phản vệ trong tổng số 1305 báo cáo ADR liên quan đến thuốc cản quang chứa iod. Các thuốc được ghi nhận nhiều nhất bao gồm: Iobitridol (50,1%), iohexol (21,7%) và iobromid (20,5%). Đa số phản ứng (88,2%) xuất hiện sau tiêm thuốc từ vài phút đến 1 giờ. Biểu hiện của phản vệ thường gặp là các rối loạn tim mạch, hô hấp, da/niêm mạc và tiêu hóa với > 70% trường hợp biểu hiện trên tim mạch và hô hấp. 241 (51,5%) trường hợp phản vệ được phân loại từ độ III trở lên trong đó có 9 (1,9%) ca tử vong. Tín hiệu phản vệ của thuốc cản quang chứa iod hình thành trong giai đoạn khảo sát với iopamidol (ROR = 2,61 [1,05 - 6,51] năm 2015), iohexol (ROR = 2,21 [1,30 - 3,75] năm 2016) và iobitridol (ROR = 1,39 [1,04 - 1,85] năm 2018, ROR = 1,43 [1,13 - 1,80] năm 2019). Kết luận: Nguy cơ phản vệ của thuốc cản quang chứa iod được thể hiện rõ thông qua việc phân tích cơ sở dữ liệu ADR. Các đánh giá định kỳ phân tích nguy cơ từ đó thúc đẩy tăng cường nhận thức cho nhân viên y tế đóng vai trò quan trọng trong quản lý nguy cơ và giảm thiểu hậu quả do phản vệ gây ra bởi nhóm thuốc nguy cơ cao này.

Article Details

Các tài liệu tham khảo

1. Bộ Y tế (2021) Quyết định số 122/QĐ-BYT về việc Ban hành Hướng dẫn Quốc gia về Cảnh giác Dược.
2. Bộ Y tế (2017) Thông tư 51/2017/TT-BYT về việc Hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ.
3. Nguyễn Phương Thúy, Trần Thị Thu Hằng, Nguyễn Hoàng Anh, Nguyễn Quốc Bình, Nguyễn Văn Đoàn (2014) Khảo sát phản ứng có hại liên quan đến thuốc cản quang chứa iod ghi nhận trong cơ sở báo cáo tự nguyện từ cán bộ y tế giai đoạn 2006-2012. Tạp chí Dược học, 2, tr. 45-51.
4. Trung tâm DI & ADR Quốc gia (2020) Công văn số 10/TTT ngày 13/02/2020 về việc tổng kết công tác báo cáo phản ứng có hại của thuốc (ADR) năm 2019.
5. ACR Committee on Drugs and Contrast Media (2021) ACR manual on contrast media. DOI.
6. BusinessWire (2020) Global contrast media industry report 2020 - 2027. www.Research And Markets.com.
7. K.D. Nguyen et al (2018) Drug‑induced anaphylaxis in a vietnamese pharmacovigilance database: trends and specifc signals from a disproportionality analysis. Drug Safety, DOI: 0.1007/s40264-018-0758-8.
8. Kim MH, Lee SY, Lee SE, Yang MS, Jung JW et al (2014) Anaphylaxis to iodinated contrast media: Clinical characteristics related with development of anaphylactic shock. PLoS ONE 9(6): 100154.
9. Tae-Bum Kim et al (2019) Differences in adverse reactions among iodinated contrast media: Analysis of the kaers database. J Allergy Clin Immunol Pract: 1-7.
10. Puijenbroek EP, Bate A et al (2002) A comparison of measures of disproportionality for signal detection in spontaneous reporting systems for adverse drug reactions. Pharmacoepidemiol Drug Saf 11(1): 3-10.